PHÒNG, CHỐNG BỆNH GIUN SÁN
Kính thưa các bậc phụ huynh!
Như chúng ta đã biết trẻ em việt nam nhiễm giun chiếm tỉ lệ tương đối cao (80 – 90%), Tức là cứ 10 em thì có 8 – 9 em nhiễm giun. Vậy chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân, đường lây truyền và cách phòng bệnh giun sán.
1. Nguyên nhân: Là do giun sống trong ruột người, hàng ngày chúng đẻ ra rất nhiều trứng, trứng theo phân ra ngoài đất phát triển rồi quay trở lại gây bệnh cho người khác.
Có nhiều loại giun sán, nhưng trẻ thường hay bị nhiễm giun đũa, giun kim, ngoài ra còn có sán lá, sán dây, giun móc…cũng có thể mắc ở trẻ nhỏ nhưng ít hơn.
2. Đường lây truyền và tác hại của giun sán
Giun đũa, giun kim: lây truyền chủ yếu qua đường miệng, do chúng ta ăn phải thức ăn bẩn, có trứng giun khi vào cơ thể trứng nở thành giun, nhờ hút các chất dinh dưỡng ở người nên chúng phát triển và sinh sản rất nhanh. Giun sống trong ruột người gây nhiều tác hại nhất là đối với cơ thẻ trẻ nhỏ. Chúng hút các chất dinh dưỡng làm cho cơ thể gầy yếu, chậm phát triển, kém thông minh, đôi khi giun còn gây đau bụng vùng quanh rốn, buồn nôn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tắc ruột, giun chui ống mật…
Giun móc: Lây nhiễm chủ yếu qua da do trúng giun khi ra ngoài đất nở thành ấu trùng, ấu trùng này chui qua da khi chúng ta tiếp xúc trực tiết với đất, giun móc bám vào ruột người hút máu làm cho cơ thể xanh xao, mệt mỏi, kém ăn, hay buồn ngủ trong giờ học.
3. Biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh giun sán điều quan trọng là phải giũ gìn vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh ăn uống: Rửa tay sạch trước ăn, sau khi di vệ sinh, và sau khi chơi trên đất. Vệ sinh chân tay luôn sạch sẽ, cắt móng tay, không đi chân đất vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể xuyên qua da, kẽ chân để vào máu, vào phổi, vào ruột sinh sống và gây hại cho cơ thể. Không nên ăn thức ăn chưa nấu chín, không uống nước chưa đun sôi, đại tiểu tiên đúng nơi quy định. Tẩy giun đều đặn 06 tháng một lần, vận động mọi người trong gia đình cùng tham gia.